"Họ bị cách ly tại khoa cấp cứu", Lý viết trong một nhóm trò chuyện trên mạng với các bạn học.
"Thật đáng sợ. SARS đang trở lại à?", một người đáp, nhắc đến đại dịch khởi phát ở Trung Quốc năm 2002 khiến khoảng 800 người thiệt mạng.
Ngay đêm đó, các quan chức y tế thành phố Vũ Hán triệu tập bác sĩ Lý, yêu cầu được biết lý do anh chia sẻ thông tin. Ba ngày sau, cảnh sát buộc Lý ký biên bản thừa nhận hành động cảnh báo của mình là "bất hợp pháp".
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Vũ Hán ngày 24/1. Ảnh: Xinhua . |
Dịch này không phải SARS, nhưng nó cũng do một chủng virus corona gây ra. Dịch sau đó không ngừng lây lan khắp Vũ Hán, ra toàn quốc và trên toàn cầu, khiến ít nhất 362 người thiệt mạng, hơn 17.000 ca nhiễm.
Thông qua hơn 20 cuộc phỏng vấn với cư dân, bác sĩ và quan chức Vũ Hán, các ký giả Chris Buckley và Steven Lee Myers của NYTimes đã xây dựng bức tranh toàn cảnh về sự chậm trễ xử lý dịch của giới chức Trung Quốc trong 7 tuần đầu từ khi dịch bùng phát. Ca nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện vào đầu tháng 12. Đến thời điểm giới chức tích cực hành động từ ngày 20/1, căn bệnh đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng.
Vào thời điểm mấu chốt, các quan chức đã quyết định giữ kín thông tin thay vì công khai đối mặt với khủng hoảng. Giới chuyên gia cho rằng vì không có động thái mạnh mẽ để cảnh báo công chúng và các chuyên gia y tế trong giai đoạn đầu, chính phủ Trung Quốc đã mất một "cơ hội vàng" để hạn chế dịch.
"Vấn đề ở đây là thiếu hành động", Hoàng Diên Trung, chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói. "Sở Y tế Vũ Hán không cảnh báo mọi người về mối đe dọa".
Vào ngày cuối cùng của năm 2019, sau khi tin nhắn của bác sĩ Lý được chia sẻ nhiều trên mạng, giới chức Vũ Hán chỉ tập trung vào việc kiểm soát thông tin. Cảnh sát Vũ Hán thông báo họ điều tra 8 người vì đã lan truyền "tin đồn thiếu căn cứ" về dịch.
Cùng ngày hôm đó, Ủy ban Y tế Vũ Hán thông báo 27 người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân, nhưng nói thêm rằng tình hình không đáng báo động. "Căn bệnh này có thể phòng ngừa và kiểm soát được", tuyên bố có đoạn viết.
Lý, bác sĩ nhãn khoa, trở lại làm việc sau khi bị khiển trách. Ngày 10/1, anh điều trị cho một phụ nữ bị tăng nhãn áp. Anh không biết bà bị nhiễm chủng virus họ corona mới. Con gái bà cũng nhiễm bệnh, và anh cũng vậy.
Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán ngày 11/1. Ảnh: AFP . |
Cuối tháng 12/2019, Hồ Tiểu Hổ, người bán thịt lợn đã qua chế biến ở chợ hải sản Hải Nam , thành phố Vũ Hán, cảm thấy có điều gì đó không ổn. Nhiều người trong chợ bị sốt kéo dài, một số bị cách ly tại bệnh viện nhưng không ai hiểu vì sao.
Ngôi chợ nằm ở khu vực mới được xây dựng của thành phố, gần các tòa chung cư và cửa hàng phục vụ cho tầng lớp trung lưu. Chợ bán thịt, gia cầm, cá và cả động vật hoang dã. Theo báo cáo của trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố, vệ sinh ở đây rất kém với hệ thống thông gió yếu, rác thải chất đống trên sàn nhà ẩm ướt.
Tại các bệnh viện ở Vũ Hán, y bác sĩ bối rối khi tiếp nhận những bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi do virus nhưng không cải thiện sau khi dùng phương pháp điều trị thông thường. Họ sớm nhận thấy nhiều bệnh nhân có điểm chung: Họ làm việc tại chợ Hoa Nam.
Ngày 1/1, cảnh sát xuất hiện tại chợ cùng với các quan chức y tế công cộng và đóng cửa nó. Giới chức địa phương thông báo ngôi chợ được dọn vệ sinh vì liên quan đến dịch viêm phổi. Sáng hôm đó, các nhân viên mặc đồ bảo hộ đến rửa sạch các quầy hàng và phun thuốc khử trùng.
Đối với công chúng, đây là phản ứng đầu tiên của chính quyền để ngăn chặn dịch. Một ngày trước đó, giới chức đã cảnh báo văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Bắc Kinh về dịch.
Các quan chức thành phố thể hiện sự lạc quan trong thông báo. Họ cho biết đã ngăn chặn virus tại ổ dịch, nguy cơ đã được hạn chế, không có bằng chứng virus lây từ người sang người.
"Thể hiện sự lạc quan và tự tin khi không có dữ liệu là một chiến lược rất nguy hiểm", Alexandra Phelan, giảng viên tại Đại học Georgetown, nói.
9 ngày sau khi chợ đóng cửa, một người đàn ông thường mua sắm ở đây trở thành nạn nhân đầu tiên tử vong vì virus corona, theo báo cáo của Ủy ban Y tế Vũ Hán. Người đàn ông họ Tằng, 61 tuổi, bị bệnh gan mạn tính và có khối u bụng, nhập viện khi bị sốt cao và khó thở.
Chính quyền tiết lộ cái chết của người đàn ông hai ngày sau đó. Nhưng họ không đề cập đến một chi tiết quan trọng: Vợ ông Tằng có các triệu chứng tương tự 5 ngày sau khi ông phát bệnh. Bà chưa bao giờ đến chợ Hoa Nam.
Cách chợ hơn 30 km, các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán nghiên cứu mẫu từ các bệnh nhân trong thành phố, trong đó có Thạch Chính Lệ, từng thuộc nhóm nghiên cứu về nguồn gốc của virus SARS xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông năm 2002.
Khi công chúng vẫn mù mờ về virus mới, bà và các đồng nghiệp đã nhanh chóng kết nối các dữ kiện để ra kết luận virus mới có họ hàng với virus gây dịch SARS và vật chủ ban đầu có thể là dơi. Dịch SARS bắt đầu khi một chủng virus họ corona lây từ dơi sang cầy hương dịch thuật rồi từ cầy hương sang người khi chúng được bày bán tại chợ ở Quảng Đông. Có khả năng virus mới đi theo con đường tương tự - nó có thể khởi phát từ động vật ở chợ Hoa Nam hoặc những khu chợ tương tự.
Cùng thời gian đó, bác sĩ Lý và các chuyên gia y tế ở Vũ Hán cố gắng cảnh báo đồng nghiệp và những người khác khi chính phủ không làm như vậy. Lữ Tiểu Hồng, trưởng khoa tiêu hóa tại bệnh viện Thành phố số 5, nói với China Youth Daily rằng trước ngày 25/12/2019, bà đã nghe thấy thông tin rằng các nhân viên y tế bị lây bệnh, ba tuần trước khi chính quyền thừa nhận sự thật. Bà không lên tiếng công khai nhưng đã kín đáo cảnh báo một trường học.
Đến tuần đầu tiên của tháng một, khoa cấp cứu ở bệnh viện số 5 chật kín người: các ca nhiễm bao gồm các thành viên của cùng một gia đình, cho thấy rõ ràng virus lây từ người sang người - điều chính quyền đã nói là không có khả năng.
Không ai nhận ra nó nghiêm trọng như thế nào cho đến khi đã quá muộn để ngăn chặn. "Tôi nhận ra chúng tôi đã đánh giá thấp kẻ thù", bà nói.
Tại Viện Virus học Vũ Hán, bà Thạch và các đồng nghiệp tách chuỗi gene của chủng virus trong tuần đầu tiên của tháng một, sử dụng mẫu từ 7 bệnh nhân, 6 trong số họ là những người bán hàng ở chợ Hoa Nam.
Ngày 7/1, các nhà khoa học bắt đầu gọi virus là 2019-nCoV. 4 ngày sau, nhóm nghiên cứu chia sẻ cấu trúc gene của virus trong cơ sở dữ liệu công khai cho các nhà khoa học ở khắp mọi nơi sử dụng. Điều này giúp các nhà khoa học thế giới nghiên cứu virus và nhanh chóng chia sẻ những phát hiện của họ.
Nhưng khi cộng đồng khoa học gấp rút phát triển cách thức xét nghiệm trường hợp dương tính với nCoV, các lãnh đạo chính trị vẫn chần chừ hành động .
Khi nCoV lây lan vào đầu tháng một, thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng đang chuẩn bị trình bày kế hoạch y tế tương lai của thành phố. Khoảng thời gian này là "mùa chính trị" ở Trung Quốc, khi các quan chức tập trung cho các kỳ họp Hội đồng Nhân dân. Đây không phải là thời điểm thích hợp để có tin xấu.
Khi ông Chu đọc báo cáo thường niên trước Hội đồng Nhân dân thành phố Vũ Hán ngày 7/1, ông hứa hẹn về các trường y tế hàng đầu, Triển lãm Y tế Thế giới và một khu công nghiệp tương lai cho các công ty y tế. Ông và các quan chức khác không đề cập đến sự bùng phát dịch bệnh.
"Chính trị luôn phải là số một", tỉnh trưởng Hồ Bắc Vương Hiểu Đông nói với các quan chức ngày 17/1. "Các vấn đề chính trị bất cứ lúc nào cũng là những vấn đề cốt lõi nhất".
Ngay sau đó, Vũ Hán vẫn cho tổ chức đại tiệc với sự tham gia của 40.000 gia đình trong nỗ lực lập kỷ lục thế giới. Giới chuyên gia thường nhắc đến sự kiện này như bằng chứng cho thấy các lãnh đạo địa phương đã coi nhẹ dịch bệnh.
"Chúng tôi biết tình hình thực sự không như thế!", một bác sĩ giấu tên ở Vũ Hán gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Y tế Quốc gia trên trang web của chính phủ, mô tả số lượng người bị tức ngực bất thường gia tăng từ ngày 12/1.
Nhưng ngay cả những người nhiễm bệnh cũng bị "ru ngủ". Khi Đổng Nghiễm Hà bị sốt ngày 8/1 tại Vũ Hán, gia đình không tỏ ra hoảng hốt. Ông được điều trị trong viện và sau đó được phép về nhà. 10 ngày sau, vợ ông Đổng có các triệu chứng tương tự. "Các bản tin không nói gì về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh", con gái ông Đổng nói. "Tôi tưởng bố tôi bị cảm lạnh thông thường".
Cả những người có chuyên môn cũng tin vào các thông báo của chính quyền. "Nếu không có ca nhiễm mới trong vài ngày tới thì dịch đã kết thúc", Quản Dật, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, nói ngày 15/1. Các tuyên bố của WHO trong giai đoạn này cũng lặp lại những lời trấn an của các quan chức Trung Quốc.
Nhưng thực tế, dịch đã lan rộng. Thái Lan phát hiện ca nhiễm nCoV đầu tiên ngoài Trung Quốc ngày 13/1. Những cái chết đầu tiên và sự lây lan của căn bệnh ra nước ngoài thu hút sự chú ý của các quan chức hàng đầu ở Bắc Kinh. Chính quyền trung ương điều nhà dịch tễ học nổi tiếng Chung Nam Sơn, được coi là người hùng trong cuộc chiến chống SARS, đến Vũ Hán để đánh giá tình hình.
Khi ông Chung đến Vũ Hán vào ngày 18/1, giọng điệu của các quan chức địa phương đã thay đổi rõ rệt. Một hội nghị y tế ở tỉnh Hồ Bắc hôm đó kêu gọi các nhân viên y tế coi dịch này là ưu tiên. Một tài liệu nội bộ từ bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán cảnh báo nCoV có thể lây qua nước bọt.
Ngày 20/1, nỗi lo lắng bùng nổ trong công chúng. Chung Nam Sơn nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước rằng chắc chắn virus lây từ người sang người. Tồi tệ hơn, một bệnh nhân đã lây cho ít nhất 14 nhân viên y tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi đó mới trở về từ chuyến thăm Myanmar, ra tuyên bố đầu tiên về dịch với chỉ đạo ngắn gọn là "dốc toàn lực" để ngăn dịch. Sau khi ông Tập ra chỉ thị, giới chức mới có các hành động quyết liệt. Vào thời điểm đó, số người chết là ba. 11 ngày sau, con số này đã tăng lên trên 200.
Tại Vũ Hán, thành phố đình chỉ các tour du lịch nhóm. Cư dân bắt đầu đeo khẩu trang. Quản Dật, chuyên gia Hong Kong từng phát biểu lạc quan về dịch, cảm thấy lo lắng. Ông vào một chợ thực phẩm khác ở Vũ Hán và bị sốc trước sự chủ quan của mọi người. Ông nói với các quan chức thành phố rằng dịch đã vượt quá tầm kiểm soát và sẽ rời đi. "Tôi đã vội vàng đặt vé", ông nói.
Hai ngày sau, thành phố bị phong tỏa . Nhiều người dân Vũ Hán cho biết họ không nắm được tính nghiêm trọng của dịch cho đến khi thành phố phong tỏa. Đám đông đổ xô đến sân bay và các nhà ga để rời đi trước thời hạn sáng 23/1. Các bệnh viện chật cứng những người lo lắng đến kiểm tra xem họ có nhiễm nCoV không.
"Chúng tôi không đeo khẩu trang tại nơi làm việc vì làm thế sẽ khiến khách hàng lo sợ", Vu Hải Yến, phục vụ bàn ở vùng nông thôn tại Hồ Bắc, nói về những ngày trước khi thành phố bị phong tỏa. "Đến khi họ phong tỏa Vũ Hán, tôi mới nghĩ 'ôi dịch này thật sự nghiêm trọng, đây không phải là loại virus thông thường'".
Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng sau đó nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trong việc báo cáo quy mô dịch, nhưng ông cho biết phải làm theo quy định. Chính quyền tỉnh chỉ được công bố dịch sau khi được sự chấp thuận của chính quyền trung ương. "Sau khi tôi nắm được thông tin, tôi chỉ có thể công bố khi được cho phép", ông nói.
Bác sĩ Lý Văn Lượng tại bệnh viện ở Vũ Hán cuối tuần trước. Ảnh: NYTimes . |
Khi cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ, cảnh báo từ hai tháng trước của bác sĩ Lý không còn bị coi là hành động khinh suất. Một bài bình luận trên mạng xã hội của Tòa án Tối cao Trung Quốc chỉ trích việc cảnh sát Vũ Hán đã điều tra bác sĩ Lý và bạn bè vì lan truyền "tin đồn".
"Nếu công chúng lắng nghe 'tin đồn' này vào thời điểm đó và áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, khử trùng nghiêm ngặt và tránh đến chợ bán động vật hoang dã thì chúng ta đã có thể ngăn ngừa và kiểm soát lây lan virus tốt hơn", bài bình luận có đoạn viết.
Bác sĩ Lý 34 tuổi và có một người con. Vợ anh dự sinh vào mùa hè. Giờ anh đang được điều trị tại bệnh viện anh làm việc. Anh cảm thấy bất bình về hành động của cảnh sát. "Nếu các quan chức công bố thông tin về dịch bệnh sớm hơn thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Cần có sự cởi mở và minh bạch hơn", anh nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét